Điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) từng có tác dụng thiết thực đối với cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều BĐVHX luôn trong tình trạng vắng khách, hoạt động không còn hiệu quả như trước. Nhân viên BĐVHX có khi đóng cửa để đi làm thêm…
![]() |
BĐVHX xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội Ảnh: T.V. |
BĐVHX thành nơi bán hàng, rửa xe...
Điểm BĐVHX từng là địa chỉ quen thuộc của không ít các cụ già, thanh niên, học sinh đến đọc sách, báo, tích lũy thông tin về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức về hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản… Đặc biệt, đây là nơi mà nhiều hộ dân đến để gọi điện cho người thân ở xa cũng như đối tác làm ăn. Song, đến nay, khi điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện hơn trước, nhu cầu trao đổi, giao dịch tăng cao nên hầu hết khách hàng không còn tìm đến BĐVHX mà chuyển sang dùng điện thoại di động hoặc máy bàn gia đình.
“Tôi có ra BĐVHX vài lần nhưng thông tin chưa thấy gì mới. Tôi và người dân ở đây chủ yếu dành thời gian để làm nghề mộc nên ít quan tâm đến BĐVHX. Cần liên hệ gì đã có di động, còn thông tin thì tìm hiểu trên mạng. Mong sao mỗi điểm BĐVHX có mấy số báo cho mọi người cùng đọc...” - Anh Thắng, Đội 2, xã Chàng Sơn (Thạch Thất – Hà Nội)
|
Thực tế trên đồng nghĩa với việc giảm doanh số cước điện thoại ở các điểm BĐVHX. Chị Nguyễn Thị Quyên (32 tuổi), nhân viên BĐVHX ở xã Canh Nậu (Thạch Thất - Hà Nội) đưa ra con số minh chứng: “Khoảng 3 năm trở lại đây, do điện thoại di động phát triển mạnh nên dịch vụ gọi điện thoại ở BĐVHX giảm . Nếu như cách đây 4-5 năm, mỗi tháng BĐVHX thu được 4-5 triệu đồng cước gọi điện thoại, bây giờ chỉ được vài trăm nghìn đồng/tháng. Số người ra BĐVHX gọi điện, đọc sách bây giờ rất ít. Đây là khó khăn chung của nhiều BĐVHX”.
Đến một số BĐVHX thuộc ngoại thành Hà Nội thấy mô hình từng được đánh giá cao về hiệu quả đối với cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các điểm BĐVHX đều vắng khách đến giao dịch hoặc đọc sách, tài liệu.
Tại điểm BĐVHX thuộc xã Ninh Sở (Thường Tín - Hà Nội), hàng tạp hóa được bày bán bên trong, không thấy có bàn ghế dành cho người đọc sách, báo, nhân viên BĐVHX kiêm luôn việc photocopy.
Một số điểm BĐVHX thuộc huyện Thạch Thất cũng vắng khách. Một nhân viên BĐVHX ở huyện Thạch Thất chia sẻ: “Lương của tôi chỉ 650 nghìn đồng/tháng, trong khi thường xuyên phải có mặt ở đây suốt cả ngày. Và để có được mức lương đó, phải bán thẻ bảo hiểm thân thể, bảo hiểm xe máy, bán thẻ điện thoại đạt doanh thu trên 1 triệu đồng.Mới đây, có công văn đề nghị bán thêm cả máy điện thoại. Hiện nay nhân viên BĐVHX chưa được đóng bảo hiểm nên nhiều khi thấy nản, không yên tâm công tác”.
Với mức lương như trên, nhiều nhân viên BĐVHX đã tranh thủ làm thêm tại nơi làm việc như bán hàng tạp hóa, rửa xe máy, làm phát thanh viên của đài truyền thanh xã… Chị Nguyễn Thị Quyên, ở xã Canh Nậu nhận làm thêm việc trực buổi tối cho tổng đài Vinaphone tại BĐVHX, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Còn nhân viên BĐVHX ở xã Dị Nậu (Thạch Thất - Hà Nội) được chính quyền xã tạo điều kiện làm phát thanh viên của đài truyền thanh xã để có thêm thu nhập…
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết hiện có rất ít người đến gọi điện, đọc sách ở BĐVHX. |
Với mức lương trước đây 200 nghìn đồng/tháng, rồi tăng lên 400 nghìn đồng, 650 nghìn đồng/tháng, nay mức lương tối thiểu là 750.000 đồng/tháng, cuộc sống của nhân viên BĐVHX gặp nhiều khó khăn. Có một số nhân viên BĐVHX ở Nghệ An đã làm đơn xin nghỉ việc. Đây là một thách thức lớn đối với ngành Bưu chính viễn thông trong việc duy trì và phát triển mô hình này.
Cần có thêm đầu báo cho BĐVHX
Ông Đỗ Đăng Soạn – Phó Chủ tịch UBND xã Canh Nậu (Thạch Thất – Hà Nội) cho biết: “Những năm đầu mới xây dựng BĐVHX hoạt động rất tốt, nhưng nay do các dịch vụ người dân tự lo được nên họ ít tìm đến BĐVHX”. Còn ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu (Thạch Thất – Hà Nội) cho rằng, hiện nay, do có nhiều kênh thông tin để người dân tham khảo nên BĐVHX ít được quan tâm. Số người dân sử dụng điện thoại di động trong xã chiếm tới 80%, Nhà văn hóa thôn cũng lắp internet, số hộ sử dụng internet ngày càng nhiều nên ít người đến BĐVHX ”.
Một cán bộ xã khẳng định, quỹ đất dành cho điểm BĐVHX ở vị trí đắc địa nên chuyển sang việc khác sẽ hiệu quả hơn. Trước đây, tại BĐVHX có một số đầu báo, nay cắt gần hết nên người thích đọc báo cũng không còn tìm đến BĐVHX. Một trong những nguyên nhân khiến BĐVHX chưa hấp dẫn người dân là do số đầu sách, báo quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thông tin, kỹ thuật phục vụ cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.