Anh Hùng Liệt Sĩ xã Canh Nậu Đỗ Thị Minh Hà
Anh Hùng Liệt Sĩ xã Canh Nậu Đỗ Thị Minh Hà!!!!!
 |
Anh Hùng Liệt Sĩ xã Canh Nậu Đỗ Thị Minh Hà
|
Ngày 24/6/2005, Chủ tịch nước CHXHCNVN đã ký Quyết định số 635
truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Đỗ
Thị Minh Hà, người con gái xứ Đoài trên đất Quảng Ninh. Và đúng vào
dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày Hội Quốc
phòng toàn dân (22/12), huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Yên Hưng
(Quảng Ninh) đã long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND
cho Liệt sỹ Đỗ Thị Minh Hà, với sự có mặt của đông đủ lãnh đạo huyện
Thạch Thất, xã Canh Nậu và thân nhân gia đình Liệt sĩ.
Liệt sỹ Đỗ Thị Minh Hà (tên thật là Đỗ Thị Sinh), sinh năm 1925 trong
một gia đình nhà nho, tại xã Canh Nậu (Thạch Thất), một vùng quê giầu
truyền thống yêu nước. Hết bậc tiểu học, chị học tiếp lớp đào tạo y sĩ ở
Hải Dương. Khi còn trên ghế nhà trường, chị đã được các đồng chí cộng
sản giác ngộ và dìu dắt. Chị là một trong những người đầu tiên của xã
Canh Nậu tham gia hoạt động cách mạng và gây dựng cơ sở Việt Minh đầu
tiên ở Canh Nậu từ năm 1941. Tốt nghiệp y sỹ, chị đã không chịu sự phân
công công tác tại Nhà thương Sơn Tây, mà xin về quê chữa bệnh cho nhân
dân và tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng. Chị về làng với tấm bằng
y sĩ, vừa hành nghề chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, vừa tuyên
truyền vận động cách mạng. Với sự năng nổ, nhiệt tình, tháng 5/1943,
chị đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1944, một tổ Việt Minh
bí mật được thành lập ở thôn 3 do chị phụ trách, đánh dấu bước phát
triển mới của phong trào cách mạng xã Canh Nậu.
Đầu năm 1945, chị Minh Hà được cấp trên giao nhiệm vụ lãnh đạo các xã:
Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu để xây dựng phong trào, phát triển lực
lượng và hướng dẫn nhân dân đấu tranh giành chính quyền cách mạng.
Tháng Tám năm 1945, cấp trên đã điều động chị về công tác tại Huyện uỷ
Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì) và là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ tịch Phụ nữ
Cứu quốc huyện Quảng Oai.
Năm 1946, chị là một trong những cán bộ được Trung ương tăng cường về
vùng mỏ, được cử làm Bí thư Chi bộ mỏ Cẩm Phả, Uỷ viên Ban chấp hành
Đảng bộ đặc khu Hòn Gai.
Đầu năm 1947, Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành liên tỉnh
Quảng Hồng. Tỉnh uỷ Quảng Hồng chủ trương đưa cán bộ về các vùng địch
tạm chiếm để bám đất, bám dân, phát động đấu tranh du kích, thực hiện
kháng chiến toàn dân, toàn diện. Chị Đỗ Thị Minh Hàđược phân công về
Yên Hưng hoạt động và trực tiếp chỉ đạo vùng Hà Nam. Đây là một vùng
tạm chiếm bị thực dân Pháp quản chế, kìm kẹp gắt gao. Vốn là cán bộ
thông minh, dũng cảm, có kinh nghiệm hoạt động cách mạng, chị Hà đã
nhanh chóng gây dựng được cơ sở và chiếm được lòng tin yêu của nhân
dân. Hàng loạt các đoàn thể như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc,
Nông dân Cứu quốc...được lập lại; đồng thời, lựa chọn được một số đối
tượng đi học các lớp huấn luyện quân sự, chính trị và kết nạp nhiều
quần chúng tích cực vào Đảng. Giữa năm 1947, tại khu Hà Nam đã có một
chi bộ Đảng do chị Minh Hà làm Bí thư chi bộ. Cũng thời gian này chị
được cấp trên bổ sung vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Hồng, phụ
trách phong trào kháng chiến chống Pháp ở huyện Yên Hưng và tiếp tục
chỉ đạo vùng Hà Nam. Sự hoạt động tích cực của Chi bộ Đảng, các đoàn
thể Việt Minh ở Hà Nam đã có ảnh hưởng lớn và sâu rộng trong nhân dân,
làm cho bộ máy hội Tề hoang mang, sợ hãi. Điển hình, ngày 27/5/1947,
tại chùa Cốc, nhân dân đến làm lễ "Vào hè cầu mát" có đông người, chị
đã tổ chức diễn thuyết, kêu gọi đồng bào ủng hộ, giũp đỡ, bảo vệ cán bộ
Việt Minh, chống bắt phu, bắt lính, thu thuế của bọn nguỵ quân, nguỵ
quyền, động viên con em tham gia kháng chiến cứu nước...
Ngày 12/7/1947, chị triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt của các xã khu
vực Hà Nam để bàn công tác vận động thanh niên, tại xã Phong Cốc. Không
may, địch phát hiện được cuộc họp này, chúng bắt cả 11 người dự họp,
trong đó có chị Minh Hà, cùng một số vũ khí, tài liệu mật. Bọn chúng
tra tấn cực kỳ độc ác, dã man nhưng chị vẫn kiên cường chịu đựng, không
khai nửa lời. Để cứu đồng chí mình, chị hiên ngang nói thẳng vào mặt
chúng: "Tao là Minh Hà đây, nhưng người này là dân thường họ không liên
quan gì, hãy thả họ ra". Đêm 14/7/1947, chị Đỗ Thị Minh Hà đã hy sinh
anh dũng sau một trận đòn thù ác độc. Dã man hơn, kẻ thù đã vứt xác chị
xuống sông Chanh. Nhân dân trong vùng đã bí mật đem thi hài của chị
chôn cất chu đáo và lập miếu thờ theo phong tục suy tôn những người
nghĩa liệt. Đỗ Thị Minh Hà hy sinh ở tuổi 22.
Cuộc đời và tấm gương của chị Đỗ Thị Minh Hà mãi mãi bất diệt. Năm
1975, Trường THPT Quảng Ninh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định
đổi tên làTrường THPT Minh Hà. Cả 3 trường: Mầm non, tiểu học, THCS và
HTX xã Phong Cuốc cũng đều lấy tên Minh Hà. Bảo tàng huyện Yên Hưng,
tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn lưu giữ và trưng bày nhiều sách, ảnh, các hiện
vật của chị. Chị Đỗ Thị Minh Hà đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ
Phong Cốc (Yên Hưng, Quảng Ninh).
Tin đồng hương
2011-10-01T23:00:00+07:00
2011-10-01T23:00:00+07:00
Đang tải dữ liệu...
