Không khí tết Trung thu tràn ngập làng quê Canh Nậu

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012





Chiếc đèn Ông sao, sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao quá đầu
Em cầm đèn sao, em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Tùng rinh rinh tùng! Tùng! Tùng! rinh rinh.

Cứ vào dịp tết Trung thu hàng năm ở làng quê Canh Nậu huyện Thạch Thất lại vang lên thanh âm rộn rã, trong trẻo của lời bài hát này. Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, theo phong tục xưa, đây cũng là ngày hội Nông nghiệp mùa thu, là ngày chính giữa mùa thu và được coi là ngày để dân làng làm lễ tế Thần mặt trăng. Cầu mong cho mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Trong ngày Trung thu, trên ban thờ của mọi gia đình đều bày đĩa hoa quả và nhất là không thể thiếu những chiếc bánh nướng, bánh dẻo là hình tượng trưng cho trời và đất..
Trên nhiều con đường làng, các hàng quán bày la liệt những mẫu đèn lồng, đèn ông Sao, trống đèn kéo quân mới rực rỡ sắc màu như dấu hiệu cho thấy Tết Trung thu đang đến thật gần với người dân nơi đây. Những chiếc bánh Trung thu tròn đầy, biểu tượng viên mãn của mặt trăng như lời chúc an lành và tốt đẹp. Nhớ những ngày Trung thu trước kia, lũ trẻ con thường náo nức, quây quần bên nhau, chuẩn bị những thứ đồ chơi dành cho đêm Trung thu. Những chiếc đèn lồng, những chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc sặc sỡ; những chiếc đèn kéo quân cầu kỳ phỏng theo những tích truyện cổ, những chiếc mặt nạ vui nhộn và ngộ nghĩnh; những ngọn nến được xâu bằng hạt bưởi phơi khô cháy rất sáng. Từ trước đêm Trung thu rất lâu, lũ trẻ con đã tụ tập thành từng nhóm múa lân, tập múa hát, làm kiệu, múa sư tử khắp xung quanh xóm, làng, đi đến đâu tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, tiếng cười nói, tiếng hát hò vui tươi làm náo động cả ngôi làng.
Giờ đây vẫn làng quê đó, nhưng cái tết Trung thu đã thay đổi nhiều thế nhưng những nét đẹp truyền thống vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy. Đường làng, ngõ xóm dường như sạch đẹp hơn, những nếp nhà tranh, nhà gỗ khi xưa cũng ít dần đi nhường chỗ cho những toà nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Cái không khí làng quê giờ đây đã có hơi hướng của nơi phố thị, nhiều gia đình vốn làm nghề truyền thống cũng đã chuyển sang buôn bán và nhiều nơi trở thành những khu buôn bán sầm uất, náo nhiệt. Dọc hai bên đường rất nhiều hàng, quán mọc lên, bày bán la liệt bánh kẹo, phục vụ Tết Trung thu. Gian hàng bán bánh Trung thu với nhiều mặt hàng và hình ảnh rất hấp dẫn, bắt mắt; có cả những thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Hữu Nghị....Bên cạnh những sạp bán bánh Trung thu là nhiều hàng quán bán đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng, đèn trống quân, mặt nạ…với nhiều kiểu sinh động, lạ mắt. Hầu hết những sản phẩm này đều được làm bằng nhựa hoặc giấy bóng kính với nhiều kiểu dáng và đã được bổ sung thêm nhiều chức năng khác như có thể di chuyển, có thể hú còi, đèn chớp cảm ứng, nhấp nháy rất phong phú và bắt mắt… những thứ đồ chơi này nó đang thay dần những thứ đồ chơi mộc mạc, giản dị như những chiếc đèn ông sao làm bằng tre, bằng nứa; những chiếc đèn kéo quân, đèn trống khẩu, rồi những loại đèn phỏng theo hình cua, cá, hình chú cuội, chị hằng mà trước kia lũ trẻ vẫn thường chơi.
** Không khí trước ngày Rằm tháng 8 ở Canh Nậu

Những đồ chơi bày bán khắp đường làng - ảnh VHTT 
Phụ huynh tranh thủ đưa con đi chọn những món đồ đẹp mắt cho ngày Rằm tháng 8 - ảnh VHTT

Các em nhỏ cũng tranh thủ chọn cho mình những đồ chơi vừa ý mình trong ngày Rằm tháng 8 - ảnh VHTT
Trung thu đang đến gần, những ngày này về chiều và đêm rực rỡ trong sắc màu của những chiếc đèn lồng, đầu lân, những chiếc đèn Ông sao... thu hút nhiều người dân trong và ngoài làng đến xem, mua sắm. Chưa đến đêm Trung thu mà vào hằng đêm tiếng trống, tiếng chiêng vẫn rộn rã, tiếng cười nói, tiếng hát hò vui tươi vẫn náo động cả xóm làng. Không khí tết Trung thu vui là thế nhưng sẽ vui và ý nghĩa hơn nếu như vào mỗi dịp này ngoài việc chơi những thứ đồ chơi hiện đại các em còn được chơi với nhiều đồ chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Thiết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét